Ôtô và nỗi sợ thuỷ thần

Nước ngập sàn xe, thủy kích, hư hỏng hệ thống điện là những nguy cơ người lái ôtô phải đối mặt khi di chuyển hoặc đỗ xe trên các con đường ngập nước.

Ôtô và nỗi sợ 'thuỷ thần'

oto va noi so thuy than 1

Lái xe trong đường ngập nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nước ngập sàn xe, thủy kích, hư hỏng hệ thống điện là những nguy cơ người lái ôtô phải đối mặt khi di chuyển hoặc đỗ xe trên các con đường ngập nước.

Bão, mưa lớn kéo dài xảy ra tại Hà Nội hay TP.HCM, thông thường gây ra ngập lụt. Xe hơi, dù được coi là phương tiện di chuyển tiện nghi và an toàn, "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu", tuy nhiên vẫn rất sợ hãi trước "thủy thần", với nhiều con đường ngập từ 20 cm tới cả mét nước.

Món tài sản có giá trị từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, ngâm trong nước nhiều giờ liền, sẽ xảy ra những hư hại.

Đầy nguy cơ từ "thủy thần"

Nhẹ nhất, những chiếc xe lội nước hay ngâm nước sẽ bị nước ngập sàn, làm ướt toàn bộ phần sàn xe, nhưng chưa ảnh hưởng tới hệ thống điện cũng như khả năng vận hành.

Tuy nhiên, xe vẫn cần phải được chăm sóc ngay lập tức. Các xưởng dịch vụ nhỏ có thể đảm nhận việc chăm sóc này. Xe sẽ cần xử lý giặt sàn ngập nước và làm khô, khử mùi.

Ngoài ra, xe cũng cần rửa để đảm bảo nước mưa không làm hư hại tới hệ thống phanh hay làm gỉ gầm xe. Chi phí cho việc dọn dẹp lại gầm xe ngập nước là khoảng 2 triệu đồng, xử lý trong 3-5 ngày.

oto va noi so thuy than 2

Sàn xe dễ dàng bị ngâm trong nước và cần phải xử lý.

Theo anh Tống Quang Phú, Giám đốc Mobile Car Care Việt Nam, nước ngập vào sàn xe tuy không gây hậu quả lớn như thủy kích nhưng nếu không xử lý sớm, phần sàn xe bị ngập nước sẽ gây nên tình trạng ẩm mốc, mùi hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng xe.

Nước lọt vào cầu là hiện tượng không mới nhưng được biết đến rộng rãi qua vụ việc mẫu xe hạng sang Mercedes-Benz GLC có nước lọt vào cầu trước, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 vừa qua.Tốt nhất, khi đi xe qua đường ngập nước, người sử dụng nên tiến hành kiểm tra dầu vi sai và thay dầu nếu như phát hiện nước lọt vào bên trong. Nước trong cầu có thể gây nên hiện tượng gỉ sét và làm hỏng bộ phận này.

Thủy kích là thứ mà người ta nhắc đến nhiều nhất khi chạy xe trên đường ngập nước. Bằng nhiều nguyên nhân khác nhau, nước có thể lọt vào khoang động cơ trong quá trình lội nước, gây nên hiện tượng chết máy.

Nếu lúc này, người điều khiển tiếp tục đề nổ, động cơ sẽ ép hỗn hợp nhiên liệu - nước - không khí và gây nên thủy kích, có thể làm cong tay biên hoặc thậm chí tay biên đâm thủng lốc máy.

Khi xe đã chết máy khi đang lội nước, việc quan trọng nhất là không cố nổ máy, đẩy xe ra khỏi chỗ ngập sâu và gọi cứu hộ đưa về garage lớn và các xưởng dịch vụ chính hãng để xử lý.

Nếu xe bị thủy kích, chi phí cho một tay biên bị cong cần thay thế là khoảng 15 triệu đồng với xe bình dân, và tăng lên nhiều lần đối với các mẫu xe cao cấp. Trường hợp nặng hơn tay biên bị gãy và đâm thủng lốc máy, chi phí sửa chữa tăng lên tới cả trăm triệu đồng.

Tất nhiên đó không phải là tất cả vấn đề của xe bị thủy kích. Hầu hết mẫu xe đã bị thủy kích đều rất khó bán, mất giá khi bán lại, bởi xe đã bị thủy kích sẽ phát sinh nhiều lỗi vặt khi vận hành về sau.

Về cơ bản, xe bị thủy kích sẽ phải "bổ" động cơ ra để tiến hành thay tay biên, và việc lắp lại động cơ một cách hoàn thiện như sản xuất ra từ nhà máy gần như là không thể. Những lỗi vặt của xe sẽ xuất hiện nhiều hơn khi động cơ đã phải "bổ".

oto va noi so thuy than 3

Hiện tượng thủy kích dẫn đến cong, gãy tay biên bên trong động cơ.

Thủy kích vẫn chưa phải là toàn bộ vấn đề của xe hơi khi đối mặt với "thủy thần". Toàn bộ hệ thống điện của xe dù luôn được chống nước, nhưng qua quá trình sử dụng, rất khó để bảo toàn nguyên vẹn.

Vận hành một chiếc xe hơi trên đường ngập nước có thể dẫn tới hệ thống điện bị chập cháy, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống đèn, các nút bấm, hệ thống giải trí... Hư hại ở hệ thống điện do ngập nước sẽ phải thay thế toàn bộ hệ thống dây dẫn, và việc chập mạch vẫn không thể khắc phục hoàn toàn.

Cuối cùng, hệ thống khung gầm, hệ thống treo, hệ thống truyền động của xe hơi đi đường ngập nước cũng sẽ dễ xuất hiện gỉ sét, hỏng vặt và phát ra tiếng kêu khó chịu khi sử dụng về sau.

Hàng loạt sự ảnh hưởng từ nặng đến nhẹ do tác động của đường ngập nước, khiến cho thị trường mua bán xe cũ vốn "không ưa" các xe đã qua ngập nước, đặc biệt là xe đã bị thủy kích.

Làm gì khi xe chết máy vì nước ngập

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc xe chết máy khi đang lội nước, dù người cầm lái đã tính toán rất kỹ, ví dụ như chập điện, đuối ga (với xe số sàn), sóng nước lớn, sụt bánh xe...

Việc luôn ghi nhớ khi xe chết máy giữa vùng nước ngập là không nổ máy lại, nhằm tránh thiệt hại lớn nhất là thủy kích. Cần trả hộp số về vị trí N, đẩy xe qua vùng ngập sâu nếu có thể, và gọi cứu hộ ngay lập tức.

Ôtô sinh ra là để đi trên đường, chứ không phải để lội nước. Tuy nhiên trong điều kiện khí hậu cũng như giao thông tại Việt Nam, thì việc phải lội nước vài lần mỗi năm là điều bất khả kháng.

Vì vậy, ngoài việc trang bị kiến thức và kỹ năng lái xe trong điều kiện ngập nước, người tiêu dùng nên tìm hiểu khả năng lội nước của mỗi chiếc xe trước khi đưa ra ý định chọn mua. Một chiếc xe có gầm cao và bánh xe lớn, luôn có khả năng lội nước tốt hơn những chiếc xe gầm thấp.

Theo: Phong Vân - Zing News