7 tiêu chí cần biết khi chọn mua camera hành trình
Bên cạnh các option đắt tiền, một trong những trang bị được người mua xe ưa chuộng nhất chính là camera hành trình. Với sự hữu ích, thông minh và tính tiện dụng của mình, những chiếc camera nhỏ gọn đang ngày càng được ưa chuộng và trở thành trang bị không thể thiếu trên xe.
Thị trường camera hành trình cũng vì thế mà ngày một phát triển, cho ra đời rất nhiều sản phẩm với các chức năng, đặc tính, chất lượng cũng như khoảng giá khác nhau. Vô tình, điều đó khiến không ít người mua cảm thấy phân vân và bối rối.
Trong bài viết này, DanhgiaXe sẽ cung cấp cho người đọc các tiêu chí quan trọng nhất khi chọn mua một bộ camera hành trình cho chiếc xe của mình.
1. CHẤT LƯỢNG HÌNH ẢNH
Không riêng gì camera hành trình, đây là tiêu chí gần như bắt buộc khi lựa chọn bất kỳ loại thiết bị ghi hình nào. Chất lượng hình ảnh có thể được đánh giá thông qua các yếu tố như độ phân giải, độ nét hay màu sắc hình ảnh. Bộ camera với chất lượng hình ảnh tốt sẽ giúp bạn ghi lại rõ nét biển số xe, khuôn mặt cũng như theo dõi chính xác hơn các tình huống giao thông khi xảy ra va chạm. Có thể đánh giá chất lượng hình ảnh theo hai điều kiện chính sau đây:
Ban ngày, đủ sáng: đây được xem là điều kiện hoạt động lý tưởng do có lượng ánh sáng tự nhiên dồi dào. Hầu hết các loại camera hành trình đều cho chất lượng ảnh khá đẹp do điều kiện này không đòi hỏi quá cao về cảm biến, ống kính hay phần mềm xử lý. Tuy nhiên, có một yếu tố cần được chú ý đó là thông số bitrate (tổng lượng dữ liệu ghi lại trong mỗi giây). Giả định các thông số khác đều như nhau thì camera có bitrate cao (~15mbps) sẽ cho ra hình ảnh đẹp và sắc nét hơn camera có bitrate thấp (~6 mbps) nhưng đồng thời cũng tiêu tốn nhiều không gian lưu trữ hơn.
Ban đêm, thiếu sáng: đây là lúc chất lượng cảm biến cũng như khả năng xử lý ảnh của camera thật sự được thể hiện. So sánh khả năng ghi hình ban đêm sẽ dễ hơn ban ngày và giúp bạn chọn được camera hành trình có chất lượng ảnh tốt hơn.
Độ phân giải cũng là một yếu tố rất quan trọng. Độ phân giải cao giúp hình ảnh sắc nét hơn dù ở bất kỳ điều kiện nào, giúp bạn dễ dàng quan sát các chi tiết như phương tiện ở xa hay biển số xe trong trường hợp xảy ra sự cố. Khả năng chống rung cũng đóng vai trò rất quan trọng đến chất lượng hình ảnh chung của camera. Khi xe di chuyển nhanh hoặc đi qua các khu vực đường không bằng phẳng, một bộ camera với cảm biến chống rung tốt sẽ phát huy tối đa công dụng của mình.
Tin liên quan: Lựa chọn ắc quy ô tô thế nào để không phải trả giá đắt
2. KHẢ NĂNG LƯU TRỮ
Độ phân giải cũng như chất lượng video càng cao đồng nghĩa với việc dung lượng của video cũng càng lớn. Vì vậy, bên cạnh chất lượng hình ảnh, dung lượng lưu trữ cũng là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi chọn mua camera hành trình. Một số camera hành trình có tặng kèm thẻ nhớ. Tuy nhiên, bạn cần quan tâm đến dung lượng thẻ nhớ mà camera hỗ trợ. Nên ưu tiên những sản phẩm có khả năng hỗ trợ thẻ nhớ dung lượng lớn, tối thiểu là 4 GB và tối đa khoảng 64 GB.
3. CÁC CHỨC NĂNG TIỆN ÍCH VÀ THÔNG BÁO
Các loại camera hành trình hiện đại đều được tích hợp khá nhiều tính năng hữu ích như:
Tự khởi động khi xe chạy và ngừng ghi hình khi đậu xe.
Khả năng thu âm cũng là một yếu tố tối quan trọng. Nó giúp bạn có thêm bằng chứng nếu vô tình xảy ra tai nạn hoặc bị công an phạt lỗi tắt xi nhan sớm khi rẽ.
Tính năng định vị toàn cầu GPS cũng rất hữu dụng khi bạn cho người khác mượn xe cũng như giúp theo dõi tốc độ của xe để làm bằng chứng khi xảy ra sự cố trên đường.
Kết nối wifi với điện thoại giúp bạn dễ dàng truy cập cũng như truy xuất hình ảnh từ camera khi cần thiết một cách nhanh chóng.
Chế độ đỗ xe Auto Parking: camera ghi hình ở tốc độ thấp 4 khung hình/giây (4 fps) để giám sát và phát hiện các chuyển động trong khu vực ống kính mà không làm nóng máy và tốn nhiều dung lượng lưu trữ, đồng thời độ nhạy của cảm biến va chạm cũng sẽ tăng lên. Khi camera phát hiện chuyển động trong vùng quan sát hoặc cảm nhận được va chạm, chế độ quay 30 fps và thu âm sẽ được kích hoạt.
Khả năng theo dõi dung lượng ắc quy: khi nhận thấy nguồn điện trên xe bị yếu đi, camera có thể tự tắt để đảm bảo dung lượng cho ắc quy.
Ngoài ra, camera hành trình còn phải có khả năng thông báo để chủ xe có thể biết được camera có đang hoạt động hay không. Có rất nhiều dạng thông báo như sử dụng âm thanh, hiển thị chữ trên màn hình hoặc sử dụng đèn LED. Dù sử dụng dạng nào thì camera cũng phải đảm bảo được khả năng cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động của mình một cách rõ ràng, nhanh chóng và chính xác nhất.
4. SỐ LƯỢNG CAMERA PHỤ
Những camera hành trình đời mới nhất thường hỗ trợ 2 cổng camera: một camera chính để ghi hình phía trước xe và một camera phụ để hỗ trợ ghi hình phía sau xe. Có thêm một camera giám sát phía sau xe sẽ làm đa dạng hóa góc nhìn cho video, giúp bạn có thêm bằng chứng nếu không may xảy ra va chạm từ phía sau xe. Nói về camera phụ thì có hai dạng chính:
Loại hai camera rời (1 cam ở trước và 1 cam ở sau). Hình ảnh cũng như tầm quan sát sẽ rõ nét và tối ưu hơn, tuy nhiên việc lắp đặt và bảo dưỡng cũng vì thế mà trở nên rắc rối hơn.
Loại tích hợp 2 trong 1 (bộ camera có 1 cam quay ra trước, 1 cam quay ra sau): góc nhìn sau xe sẽ bị hạn chế hơn khá nhiều, chủ yếu dùng để giám sát bên trong xe. Tuy nhiên ưu điểm là hệ thống này khá gọn nhẹ và dễ lắp đặt.
5. NGUỒN CẤP ĐIỆN
Có thể chia nguồn cấp làm hai loại là nguồn cấp thường xuyên và nguồn cấp tự trị.
Nguồn cấp thường xuyên là loại tụ điện, tích hợp sẵn trên bo mạch của máy. Ưu điểm là khả năng hoạt động liên tục, không chịu ảnh hưởng từ nhiệt độ môi trường cũng như không bị “chai pin” gây phù nề và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống. Nhược điểm là chúng không thể hoạt động khi rút nguồn.
Nguồn cấp tự trị thường được sử dụng là pin lithium-ion (pin dạng rời được sử dụng trên điện thoại thông minh ngày nay). Ưu điểm chính của nó là có thể hoạt động độc lập ngay cả khi không có nguồn điện. Nhược điểm là độ an toàn thấp hơn, dễ bị phù khi chai hoặc do ảnh hưởng của nhiệt độ (để xe dưới nắng quá lâu).
6. PHẦN MỀM PHÂN TÍCH VÀ XỬ LÝ
Phần mềm xử lý và phân tích giúp bạn có thể xem lại video dễ dàng và chi tiết hơn. Hiện nay, những camera hành trình thế hệ mới ngoài phân tích còn có khả năng tổng hợp lại lộ trình đã đi, thống kê thời gian cũng như vận tốc trung bình của xe,… Tính năng này đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp, dịch vụ vận tải có nhu cầu quản lý chi tiết và chính xác hơn quãng đường đi của khách.
7. GIÁ TIỀN
Vấn đề giá cả gần như là tiêu chí không thể bỏ qua khi lựa chọn một bộ camera hành trình. Trên thị trường hiện nay, một bộ camera hành trình thường có giá từ 2 đến trên 10 triệu đồng tùy thuộc vào tính năng và chất lượng.
Để phân tích cụ thể hơn, các yếu tố giá rẻ, nhiều tính năng, hoạt động tốt và độ bền thường là những tiêu chí chính để đánh giá chung nhất một bộ camera hành trình. Và không có mẫu camera nào trên thị trường đáp ứng được đầy đủ các yếu tố trên. Một bộ camera ghi hình đẹp, nét, nhiều chức năng và độ bền cao sẽ không thể được bán với giá rẻ. Ngược lại, một cái camera giá rẻ, ghi video chất lượng tốt thì sẽ bị cắt giảm nhiều tính năng.
Với các bài viết trên, DanhgiaXe hy vọng đã giúp độc giả có cái nhìn tổng quát và chính xác hơn về các tiêu chí cần quan tâm khi chọn mua một bộ camera hành trình, qua đó lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng.
Theo: Quang Thien - DanhgiaXe